Nghề telesales: Cận cảnh những người làm phiền “muốn vay không ạ?”

“Bị điên à? Lúc này là mấy giờ mà gọi?”, “Vay vay cái gì, tao cho mày vay thì có!”… Đó là những câu nói mà nhân viên “telesales” của ngân hàng vẫn nghe khi mời khách vay tiền, làm thẻ qua điện thoại.

Thường xuyên nghe chửi
Gần đây, bán hàng qua điện thoại hay còn gọi telesales ngày càng phổ biến ở các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ… Có thể nói, đây là một “nghề” dễ bị cho là gây phiền phức nhất, bị nhận nhiều phản ứng khó chịu từ khách hàng không có nhu cầu.
D.L, tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng trường ĐH Công nghệ TP.HCM, có thời gian làm một nhân viên telesales của ngân hàng ANZ cho biết: “Công việc hàng ngày của em là gọi điện cho các số điện thoại trong danh sách mà cấp trên đưa xuống để tìm kiếm khách hàng vay, khách hàng gửi tiết kiệm và làm thẻ visa. Hồi đầu tiên chưa có kinh nghiệm, mới sáng thứ 2 em đã hí hửng bấm gọi cho một chị, chưa kịp “vào bài” đã bị chửi là “em không biết suy nghĩ à, mới sáng thứ 2 người ta còn họp hành hàng trăm thứ việc mà gọi, vô ý thức quá vậy” rồi cúp máy. Em sốc quá, khóc luôn”.
Sau lần đó, D.L rút kinh nghiệm, không bao giờ gọi vào sáng sớm vì đó là thời gian khách hàng cần thoải mái tinh thần để bắt đầu công việc của một ngày mới, và buổi trưa là lúc khách đang nghỉ ngơi.
Đức Anh đang làm việc cho một ngân hàng nhà nước nhớ lại, có những người mới nghe giới thiệu “em là Đức Anh, đang làm việc tại ngân hàng…” đã quát “Lại mời mua bảo hiểm chứ gì? Sao tụi bay đông như quân nguyên vậy, ngày nào cũng gọi hàng chục cuộc đến là bực bội. Ai cho mà tụi bay có số điện thoại hả”.
Đức Anh được giao chỉ tiêu mỗi tháng phải cho vay được 1,5-2 tỷ, huy động khách hàng gửi tiết kiệm 1 tỷ và làm được 10 thẻ visa.
“Đó là một định mức không phải khó, mà là quá khó đối với những bạn mới tốt nghiệp làm nhân viên telesales. Công việc dù ngồi một chỗ nhưng vô cùng áp lực và dễ chán nản, mất nhiều thời gian nhưng hiệu quả không bao nhiêu vì những cuộc gọi đều là “hú họa”, không biết họ có nhu cầu hay không”, Đức Anh cho biết

Dễ bị cho nghỉ việc

Theo ông Nguyễn Tường Quang, Phó Giám đốc nhân sự ngân hàng Sacombank, bạn trẻ mới ra trường vào làm việc tại các ngân hàng thì có những vị trí công việc như giao dịch viên, chuyên viên khách hàng cá nhân, thanh toán quốc tế… hoặc telesales.

“Riêng với công việc bán hàng qua điện thoại, thì hiện nay đa số các ngân hàng đều có một trung tâm telesales. Làm việc này rất cực, có nhiều áp lực vì dễ khiến khách hàng bực bội, khó chịu khi gọi điện làm phiền người ta. Tỉ lệ thành công thì 10 cuộc điện thoại may ra được 2 người quan tâm đến những gì nhân viên chia sẻ, tư vấn”.

Sinh viên ngành tài chính – ngân hàng thực tập tại một ngân hàng
Theo ông Quang, mức thu nhập của những nhân viên telesales tại các ngân hàng là từ 6-10 triệu chưa tính thu nhập hưởng thêm từ doanh số. Làm một thời gian, nếu tốt thì có thể được chuyển sang vị trí khác.

Trong khi đó, ông M.C, trưởng phòng quản lý TT Đào tạo của một ngân hàng nhận định, mức thu nhập như vậy là không hề cao như suy nghĩ của bạn trẻ khi lựa chọn các ngành học để làm việc tại ngân hàng.

“Nếu như các bạn nghĩ rằng công việc ở ngân hàng rất oách, nhẹ nhàng mà cuối tháng lĩnh lương cao… là sai lầm. Trên thực tế, áp lực rất kinh khủng, nhất là tại các ngân hàng thương mại cổ phần. Về thu nhập thì có ngân hàng chỉ trả lương 4-5 triệu/tháng. Không ít nơi chỉ cần trong 2 tháng thử việc không đạt định mức đề ra thì bị cho nghỉ việc”, ông M.C chia sẻ.

Mặc dù vậy, Nguyễn Thu Hà, một nhân viên telesales đang cố gắng nhìn theo hướng tích cực: “Dù sao công việc này cũng giúp em học được cách lắng nghe về những nhu cầu thậm chí những chuyện vu vơ đời thường của khách hàng, học được cách kiên nhẫn khi bị mắng chửi, bị từ chối và học được cách bảo vệ quan điểm của mình khi khách hàng hiểu lầm… Đây là những kỹ năng cần thiết cho bất cứ công việc nào sau này”.

Theo Thanh Niên

vừa đặt hàng thành công